Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng

Mục lục

Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng là gì?

Hiện nay bệnh áp-xe hậu môn – trực tràng đang dần trở nên phổ biến trong xã hội và được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn gây ra những phiền toái, khó chịu cho người bệnh.

Áp-xe hậu môn – trực tràng là căn bệnh chỉ tình trạng viêm nhiễm các mô mềm xung quanh khu vực hậu môn – trực tràng và hình thành nên các khối sưng đỏ có chứa mủ bên trong hay còn gọi là ổ áp-xe gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân và những biến chứng khác nếu không điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở người từ 20 – 40 tuổi, phổ biến ở nam giới.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của áp-xe vùng hậu môn – trực tràng

Một số biểu hiện của bệnh áp-xe vùng hậu môn – trực tràng là:

  • Vùng da quanh hậu môn bị sưng đỏ tấy và đau;
  • Sốt, có cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi trong người;
  • Có cảm giác đau nhức ở khu vực hậu môn, cảm giác đau tăng lên khi vận động;
  • Xuất hiện khối sưng cứng có mủ bên trong;
  • Ở giai đoạn cấp tính, ổ áp-xe hậu môn có thể vỡ ra và chảy mủ vàng đặc.

Biến chứng có thể gặp khi bị áp-xe vùng hậu môn – trực tràng

Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng không tự khỏi mà cần phải được điều trị. Nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng chảy mủ.
  • Rò hậu môn.
  • Nứt kẽ hậu môn.
  • Viêm nang lông quanh hậu môn.
  • Ung thư.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hãy đến bác sĩ tư vấn và tìm phương pháp điều trị đúng cách.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến áp-xe hậu môn – trực tràng

  • Do vệ sinh hậu môn kém. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh áp-xe hậu môn. Vùng da hậu môn vốn dĩ rất nhạy cảm, vệ sinh kém và không đúng cách tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công. Nếu để lâu dài thì những tổn thương sẽ dần mưng mủ và gây áp-xe, khi vỡ ra sẽ gây đau đớn.
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng như bệnh trĩ, bệnh viêm nang lông các tuyến mồ hôi tại vùng da xung quanh hậu môn, viêm hậu môn,…
  • Sức đề kháng kém cũng là nguyên do dẫn đến áp-xe hậu môn – trực tràng, theo thống kê cho thấy trẻ em, người già, người bị suy nhược và người mới ốm dậy là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất.
  • Do hậu phẫu gây ra. Các tiểu phẫu nếu không được thực hiện một cách an toàn và có khoa học thì khả năng viêm nhiễm ở người bệnh là rất cao.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn khiến cho vùng này bị tổn thương và bị vi khuẩn xâm hại.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ áp-xe vùng hậu môn – trực tràng?

Bệnh áp-xe hậu môn trực tràng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc không được vệ sinh thường xuyên, táo bón, mang bỉm nhiều có thể khiến cho khu vực hậu môn trực tràng của bé bị nhiễm khuẩn gây hình thành nên các ổ áp-xe.

Ngoài ra, bệnh còn phổ biến ở người trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Khả năng mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn phụ nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ áp-xe vùng hậu môn – trực tràng, bao gồm:

  • Mắc các bệnh liên quan đến vùng hậu môn – trực tràng như bệnh trĩ, nứt kẻ hậu môn, viêm nang lông ở vùng da khu vực quanh hậu môn.
  • Thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, sức để kháng kém.
  • Dùng các loại thuốc điều trị bệnh ở trực tràng.
  • Sau khi phẫu thuật ở vùng xương cụt, đáy chậu, trực tràng.
  • Trong trực tràng có dị vật gây viêm nhiễm.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp-xe vùng hậu môn – trực tràng

Thông qua thăm khám lâm sàng bác sĩ đã có khả năng kết luận bệnh nhân có mắc bệnh hay không. Để chắc chắn hơn bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung để sàng lọc với các bệnh khác như:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu từ âm đạo, niệu đạo nếu nghi ngờ bệnh lây qua đường tình dục.
  • Nội soi đại trực tràng.
  • Siêu âm, chụp MRI, chụp CT.

Phương pháp điều trị áp-xe vùng hậu môn – trực tràng hiệu quả

Để có cách chữa trị hiệu quả cần xác định vị trí ổ áp-xe và mức độ bệnh nặng nhẹ cụ thể.

Ngày nay người ta thường kết hợp giữa điều trị nội khoa bằng thuốc và ngoại khoa bằng cách rạch lưu dẫn mủ.

Dùng thuốc điều trị:

  • Thuốc kháng sinh giúp tiêu viêm và hạn chế nhiễm trùng.
  • Thuốc giảm đau trong trường hợp áp-xe gây đau dữ dội.
  • Thuốc làm mềm phân trong trường hợp bệnh nhân bị táo bón.

Điều trị áp-xe bằng phẫu thuật

Phẫu thuật thường dùng khi áp-xe đã hình thành.

  • Phương pháp HCPT: Phương pháp hiện đại với ưu điểm ít gây đau, an toàn, mau chóng làm lành vết thương và khó tái phát.
  • Rạch thoát mủ: Đây là phương pháp phổ biến dùng để đưa mủ ra khỏi ổ áp-xe. Tuy nhiên, bác sĩ cần có chuyên môn cao để nhắm chính xác thời điểm để rạch thoát mủ. Nếu rạch sớm, khi mủ chưa hình thành, có thể làm cho nhiễm trùng lan rộng. Nếu rạch trễ vừa gây đau đớn cho bệnh nhân, vừa khiến mủ chảy nhiều và lan ra các vùng xung quanh tạo ổ áp-xe lớn và gây chảy mủ kéo dài.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp-xe vùng hậu môn – trực tràng

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ;
  • Áp dụng phương pháp tắm sitz: Đây là phương pháp giảm đau hiệu quả thường dùng cho bệnh nhân mắc các bệnh về đường hậu môn. bạn cho một lượng nước ấm vừa đủ vào bồn tắm hoặc thau nước và ngồi ngâm vùng hậu môn khoảng 10 -15 phút. Mỗi ngày nên thực hiện 2 – 3 lần. Độ ấm của nước tùy thuộc vào cách bạn cảm nhận (có thể từ 40 – 50 độ C). Không nên cho sữa tắm hay bất kì dung dịch nào khác vào.
  • Nếu khó ngủ vì bị đau, bạn có thể tham khảo với bác sĩ về việc dùng thuốc ngủ.
  • Đại tiện là vấn đề lớn đối với người bệnh, bạn nên ăn nhẹ, ăn các loại thực phẩm giúp nhuận tràng, dễ tiêu hóa để có thể đi tiêu dễ hơn.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Tạo thói quen ăn uống khoa học, nên hạn chế ăn thực phẩm dầu mỡ, nhiều chất kích thích, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước và nước ép trái cây.
  • Phòng tránh bệnh táo bón và tiêu chảy.
  • Nên điều trị các bệnh có thể gây ra áp-xe hậu môn như nứt kẽ hậu môn, nhọt hậu môn.
  • Nhanh chóng đi khám nếu có những dấu hiệu lạ ở vùng hậu môn.
  • Thường xuyên vận động cơ thể.

Trên đây là những phương pháp phòng tránh bệnh áp-xe hậu môn mà mọi người nên lưu ý. Nếu phát hiện có những triệu chứng của bệnh áp-xe hậu môn nên kịp thời đến các cơ sở y tế khám và chữa trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm sau này.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan