Bệnh ưa chảy máu

Mục lục

Bệnh ưa chảy máu là gì?

Bệnh ưa chảy máu xảy ra do rối loạn của hệ thống đông máu. Đây là một bệnh làm cho máu không đông lại một cách thích hợp. Quá trình thành lập cục máu đông giúp ngăn ngừa chảy máu sau khi có vết thương. Nếu đông máu không xảy ra, một vết thương có thể chảy rất nhiều máu.

Tìm hiểu chung

Bệnh ưa chảy máu là gì?

Bệnh ưa chảy máu xảy ra do rối loạn của hệ thống đông máu. Đây là một bệnh làm cho máu không đông lại một cách thích hợp. Quá trình thành lập cục máu đông giúp ngăn ngừa chảy máu sau khi có vết thương. Nếu đông máu không xảy ra, một vết thương có thể chảy rất nhiều máu.

Bệnh có nhiều thể và tất cả đều gây chảy máu khó cầm, xuất huyết nội tạng và chảy máu trong các khớp.

Chảy máu có thể ở:

  • Bên ngoài: trên bề mặt ngoài cơ thể, nơi có thể nhìn thấy được.
  • Bên trong: ở bên trong cơ thể, nơi không thể nhìn thấy được. Chảy máu bên trong khớp (như khớp gối hoặc khớp háng) thường gặp ở trẻ bị bệnh ưa chảy máu.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ưa chảy máu

Tùy thuộc vào từng mức độ bệnh mà có những triệu chứng khác nhau. Đối với thể nhẹ, bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng phổ biến như xuất huyết bên ngoài kèm theo những triệu chứng sau:

  • Nhiều vết bầm tím lớn hoặc sâu trên da;
  • Đau và sưng khớp do chảy máu bên trong khớp;
  • Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân;
  • Có máu trong nước tiểu hoặc trong phân;
  • Chảy máu kéo dài sau khi bị đứt tay, bị thương, sau khi phẫu thuật, nhổ răng;
  • Chảy máu cam không rõ nguyên nhân;
  • Cảm giác căng trong khớp.

Với mức độ nặng hơn thường xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Đau đột ngột, sưng và nóng ở các khớp lớn, như khớp gối, khớp khuỷu, khớp háng và khớp vai, và ở các cơ cánh tay và cẳng chân;
  • Chảy máu vết thương, nhất là nếu bị bệnh ưa chảy máu nặng;
  • Đau đầu kéo dài;
  • Nôn liên tục;
  • Mệt mỏi nhiều;
  • Đau cổ;
  • Nhìn đôi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường sau:

  • Vết thương ở đầu, cổ, bụng hoặc lưng;
  • Chảy máu không cầm được;
  • Đau bụng nhiều hoặc khó khăn khi cử động;
  • Tiểu đỏ hoặc tiểu màu trà;
  • Tiêu phân đen hoặc tiêu máu đỏ;

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ưa chảy máu

Trong mọi trường hợp, cơ thể của chúng ta có cơ chế tự bảo vệ. Nghĩa là những tế bào máu gây kết dính được gọi là tiểu cầu sẽ đi đến nơi chảy máu và thành lập nút chặn ở vết cắt. Nếu không có bước này, máu sẽ không đông. Khi tiểu cầu đã tạo nút chặn, chúng sẽ phóng thích những hóa chất lôi kéo nhiều tiểu cầu hơn tới và cũng hoạt hóa các protein trong máu gọi là các yếu tố đông máu. Những protein này trộn với tiểu cầu để hình thành các sợi làm cục máu đông chắc hơn và làm ngưng chảy máu.

Trong cơ thể con người gồm có 20 yếu tố tham gia trong quá trình đông máu. Thiếu hụt bất kỳ yếu tố nào trong số này cũng đều dẫn đến bệnh ưa chảy máu. Bệnh được phân loại dựa trên yếu tố bị thiếu hụt.

  • Hemophilia A là thể bệnh hay gặp nhất, do thiếu yếu tố VIII.
  • Hemophilia B là thể bệnh hay gặp thứ hai do thiếu yếu tố IX.
  • Hemophilia C là thể bệnh do thiếu yếu tố XI, triệu chứng nói chung thường nhẹ hơn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh ưa chảy máu

Với những gia đình có tiền sử về căn bệnh này, gia đình nên xét nghiệm thai nhi từ trong bụng mẹ để xác định bệnh và có những biện pháp đối phố kịp thời trước khi quá muộn.

Với những trẻ lớn hơn, trẻ sẽ bị nghi ngờ về căn bệnh này khi thường xuyên chảy máu và máu khó đông.

Chẩn đoán bệnh ưa chảy máu được thiết lập với các xét nghiệm máu, bao gồm tổng phân tích tế bào máu, thời gian prothrombin (PT), thời gian hoạt hóa một phần thromboplastin (PTT), định lượng yếu tố VIII và yếu tố IX. Bác sĩ cũng muốn loại trừ các nguyên nhân gây chảy máu khác, như bệnh gan, một số thuốc, và thậm chí là bạo hành trẻ em.

Phương pháp điều trị bệnh ưa chảy máu hiệu quả

Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn, và việc điều trị khác nhau tuỳ theo mức độ nặng của bệnh:

  • Hemophilia A nhẹ: Tiêm tĩnh mạch chậm hormone desmopressin (DDAVP) để kích thích giải phóng yếu tố đông máu. Desmopressin cũng có thể được dùng theo đường xịt mũi.
  • Hemophilia A hoặc hemophilia B từ vừa tới nặng: Truyền yếu tố đông máu được chiết xuất từ máu người hoặc yếu tố đông máu tái tổ hợp để cầm máu. Có thể phải truyền nhiều lần nếu bệnh nặng.
  • Hemophilia C: Cần truyền huyết tương để ngăn chặn các đợt chảy máu.

Thông thường, việc truyền yếu tố đông máu dự phòng 2 hoặc 3 lần/tuần có thể giúp ngăn ngừa chảy máu. Cách này giúp giảm thời gian nằm viện và hạn chế tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn cách tự tiêm truyền desmopressin tại nhà.

Đối với chảy máu bên trong sẽ được điều trị nhanh chóng với yếu tố đông máu thay thế.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ưa chảy máu

Người bệnh có thể áp dụng những phương pháp sau để ngăn ngừa chảy máu:

Tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên. Các bài tập có thể giúp làm tăng sức mạnh của cơ và giúp giảm chảy máu khi bị thương. Bơi lội là một môn thể thao điển hình.

Giữ cân nặng thích hợp. Khi thừa cân bạn sẽ tăng nguy cơ chảy máu nhiều hơn so với người bình thường. Nếu con bạn bị thừa cân, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm lời khuyên giúp kiểm soát cân nặng.

Chăm sóc răng miệng. Hãy đảm bảo rằng người bệnh phải chải răng hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên, và uống nước có florua để giữ cho răng khỏe mạnh. Điều này giúp nướu ít bị chảy máu hoặc giúp bạn ít khi cần phẫu thuật răng. Làm sạch răng định kỳ như cạo vôi răng đôi khi có thể gây chảy máu. Hãy tìm một nha sĩ có kinh nghiệm với những bệnh nhân bị bệnh ưa chảy máu và biết làm thế nào để kiểm soát chảy máu nếu nó xảy ra.

Điều quan trọng cần nhớ là trẻ bị bệnh ưa chảy máu vẫn cần được chích ngừa tất cả các vắc xin được khuyến cáo. Nhiều bệnh nhân bị bệnh ưa chảy máu nặng có thể ngăn ngừa bị chảy máu bằng cách truyền các yếu tố đông máu đều đặn (thường hai đến ba lần mỗi tuần). Một số trẻ nhỏ có đường catheter tĩnh mạch trung tâm (một ống mềm, rỗng) được phẫu thuật đưa vào bên trong tĩnh mạch, cho phép trẻ nhận được các yếu tố đông máu mà không bị đau.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan