Thai ngoài tử cung

Mục lục

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng được thụ tinh nhưng lại phát triển ở vị trí ngoài tử cung, thông thường là vòi tử cung (chiếm 95%), buồng trứng, ổ bụng hay ở cổ tử cung. Tuy nhiên những nơi này không phải là môi trường lý tưởng để thai phát triển, thường không cung cấp đủ không gian cũng như chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi.

Tìm hiểu chung

Thai ngoài tử cung là bệnh gì?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng được thụ tinh nhưng lại phát triển ở vị trí ngoài tử cung, thông thường là vòi tử cung (chiếm 95%), buồng trứng, ổ bụng hay ở cổ tử cung. Tuy nhiên những nơi này không phải là môi trường lý tưởng để thai phát triển, thường không cung cấp đủ không gian cũng như chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi.

Phần lớn các ca thai ngoài tử cung xảy ra ở tuần thứ tư đến tuần thứ mười của thai kỳ. Có nhiều trường hợp được phát hiện trễ có thể dẫn đến vỡ, chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ của thai phụ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị thai ngoài tử cung

Triệu chứng ban đầu của thai ngoài tử cung có thể không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn cho bà bầu, như trễ kinh hay ra máu và thường nghĩ là do kinh nguyệt hoặc đau bụng dưới (triệu chứng sớm). Sau đây là vài dấu hiệu cảnh báo của thai ngoài tử cung:

  • Xuất huyết âm đạo một cách bất thường hoặc khác so với kỳ kinh nguyệt của bạn, máu ra nhiều hoặc ít hơn thông thường, sẫm màu hoặc loãng hơn;
  • Xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng hoặc vùng chậu. Đôi khi bạn sẽ thấy một bên của bụng dưới đau và khó chịu, đặc biệt là khi đi vệ sinh;
  • Đau lan lên vai có thể là dấu hiệu của việc vòi tử cung bị vỡ;
  • Mệt mỏi, chóng mặt hay ngất xỉu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào phụ nữ có dấu hiệu gần giống với có thai như mất kinh nguyệt một khoảng thời gian, đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi… thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và phát hiện kịp thời trong trường hợp có sớm. Khi các dấu hiệu muộn xuất hiện như chảy máu âm đạo, đau bụng dưới, hoa mắt chóng mặt…  thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung

Tất cả các yếu tố ngăn cản hay làm chậm sự di chuyển của trứng về buồng tử cung đều có thể gây hiện tượng thai ngoài tử cung:

  • Viêm nhiễm, phẫu thuật tạo hình vòi trứng làm hẹp vòi trứng.
  • Khối u buồng trứng, u xơ tử cung chèn ép vào vòi trứng.
  • Co thắt và nhu động vòi trứng bất thường.
  • Sự phát triển của vòi trứng bất thường : quá dài /quá ngắn /dị dạng vòi trứng.
  • Lạc nội mạc tử cung ở phần kẽ.
  • Chất lượng của tinh trùng và noãn không bình thường.
  • Có sự can thiệp của các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
  • Dụng cụ tử cung làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung.
  • Thuốc tránh thai dẫn đến vòi trứng nhu động và co thắt bất thường.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thai ngoài tử cung

Phụ nữ có ống dẫn trứng bất thường có nguy cơ cao bị thai ngoài tử cung, phụ nữ cần chú ý các yếu tố sau có thể gây tăng nguy cơ mắc phải hơn:

  • Đã từng bị các bệnh sinh dục.
  • Từng phẫu thuật cổ tử cung.
  • Có bầu nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Từng bị mang thai ngoài tử cung.
  • Từng có bệnh liên quan đến vòi tử cung.
  • Hút thuốc lá.
  • Mang thai khi lớn tuổi.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thai ngoài tử cung

Đối với những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ:

  • Bác sĩ có thể sờ được có một khối u cạnh tử cung, dạng hơi dài theo chiều dài vòi trứng, giới hạn khá rõ, mật độ mềm, chạm đau. Một số trường hợp sản phụ có ra huyết âm đạo giống như sảy thai.
  • Siêu âm cho thấy trong lòng tử cung không có túi thai, có thể nhìn thấy khối u cạnh tử cung hoặc hình ảnh túi thai trong vòi trứng.
  • Nội soi ổ bụng.

Đối với những trường hợp thai ngoài tử cung vỡ:

  • Thăm khám sẽ thấy được túi cùng căng đau, chọc dò cùng đồ sẽ rút ra được máu đen loãng không đông.
  • Siêu âm sẽ thấy cùng đồ có máu, ổ bụng có máu.
  • Nội soi hoặc mổ bụng.

Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung hiệu quả

Có hai phương pháp được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung: nội khoa và ngoại khoa. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có các chỉ định khác nhau:

  • Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật): Để lấy đi khối thai, có thể gồm mổ bụng hở hay mổ nội soi. Phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu từ trước tới nay.
  • Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Dùng một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, để làm chết các tế bào của khối thai. Chất hiện đang được dùng là Methotrexate. Có nhiều cách dùng thuốc: tiêm thuốc vào bắp cơ một lần duy nhất, hoặc nhiều lần, hoặc tiêm thẳng vào khối thai. Cũng trường hợp khối thai vẫn tiếp tục phát triển sau dùng thuốc, bệnh nhân buộc phải chuyển sang phẫu thuật.
  • Điều trị bảo tồn hay không bảo tồn: là có giữ lại được vòi trứng hay không. Nếu bệnh nhân chỉ còn lại một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai.
  • Điều trị tại chỗ: dùng thuốc hay một số chất đặc biệt tiêm thẳng vào khối thai để làm cho tế bào nhau và thai chết đi, có thể dùng Methotrexate, dung dịch đường ưu trương, Clorua kali…

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thai ngoài tử cung 

Phòng ngừa

Tuy bệnh không thể phòng ngừa trước nhưng bạn có thể làm giảm yếu tố nguy cơ bằng cách:

  • Giới hạn số lượng bạn tình.
  • Dùng bao cao su khi quan hệ để ngăn ngừa các bệnh tình dục và viêm nhiễm vùng chậu.
  • Hạn chế phá thai.
  • Giữ vệ sinh kinh nguyệt tốt.
  • Khám phụ khoa định kỳ.

Chế độ dinh dưỡng

Cần lưu ý điều trị theo chỉ định của bác sĩ và không mang thai lại sau 2 tháng kể từ khi phẫu thuật:

  • Khoảng 1 tuần đầu sau phẫu thuật thai ngoài tử cung nên hạn chế sử dụng quá nhiều chất béo.
  • Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin B1, B2… từ việc ăn nhiều rau tươi và trái cây đảm bảo an toàn, sạch, dễ tiêu hóa.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tránh thức ăn cay và lạnh.
  • Cần lưu ý giữ ấm và tránh quan hệ vợ chồng trong thời gian dưỡng thương.
  • Tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan