U máu

Mục lục

U máu là gì?

U máu là khối u lành tính bẩm sinh thường xuất hiện ở trẻ em. U máu có thể xuất hiện trên da, đầu, mặt, cổ, mắt, chân tay, nội tạng.

Tìm hiểu chung

U máu là gì?

U máu là khối u lành tính bẩm sinh thường xuất hiện ở trẻ em. U máu có thể xuất hiện trên da, đầu, mặt, cổ, mắt, chân tay, nội tạng. Có hai nhóm u máu:

  • U tế bào nội mạc mạch máu: U xuất hiện lúc mới sinh, phát triển nhanh, khoảng 25% có hiện tượng thoái triển lúc 5 – 7 tuổi. Tỉ lệ bé gái mắc bệnh cao hơn bé trai 3 – 5 lần.
  • U dị dạng mạch máu: U dị dạng động mạch, tĩnh mạch, bạch mạch tồn tại và phát triển tới tuổi trưởng thành.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của u máu

Có 3 loại u máu, mỗi loại có các dấu hiệu sau đây:

  • U hạt máu ở da. Loại u máu này có diện tích rộng, hẹp khác nhau, màu đỏ, lúc đầu nhẵn bằng phẳng với mặt da, sau đó gồ lên, sáng hơn;
  • U máu dưới da với khối u dưới da gồ lên so với vùng da lành, nóng, nhưng không thấy mạch đập khi ấn ngón tay;
  • Màu da trên nền u bình thường hoặc nhạt, hoặc tím, hoặc giãn mao mạch;
  • U hỗn hợp là hình ảnh hay gặp nhất mang đặc điểm của 2 loại trên. Vị trí u máu có thể bất kỳ nhưng thường gặp ở đầu cổ và kích thước thường dưới 3cm đường kính.

Biến chứng có thể gặp khi mắc u máu

  • Loét, nhiễm trùng, hoại tử u.
  • Chảy máu.
  • Ảnh hưởng tới thẩm mỹ: U phát triển gây biến dạng mặt.
  • Suy tim.
  • Tắc nghẽn đường thở: Trường hợp u khí quản, u lớn vùng dưới hàm chèn ép đường thở.
  • Ảnh hưởng tới tâm lý.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần phân biệt u máu với dị dạng mạch do đặc điểm bệnh học và sinh học hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, khi có những dấu hiệu nói trên bàn cần phải đến bệnh viện để chẩn đoán đúng và có hướng điều trị thích hợp cũng như tiên lượng trước, sau điều trị.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến u máu

  • Do di truyền từ cha mẹ sang con cái. Nếu bố mẹ có u máu đã thoái triển thì nguy cơ con mắc bệnh vẫn cao hơn.
  • Do trong thời kỳ mang thai người mẹ bị nhiễm khuẩn hay virus.
  • Do rối loạn hormone hay rối loạn miễn dịch trong cơ thể.
  • Do có sự bất thường về mạch máu.
  • Ảnh hưởng của hóa chất hay chất độc hại.
  • Sau chấn thương.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc u máu?

U máu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, với tỷ lệ 10 – 12%, thường xuất hiện ở tuần đầu tiên hoặc tuần thứ 4 sau khi sinh và u máu này còn phát triển trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tháng. Qua giai đoạn này u máu sẽ ở trạng thái ổn định, không thay đổi về thể tích cũng như màu sắc cho đến 18 – 20 tháng.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u máu

Để chẩn đoán bệnh u máu hiệu quả có thể dựa vào phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể là:

Lâm sàng:

  • Thể u máu phẳng hay gọi là vết rượu vang: U phẳng, màu đỏ hay tím, nếu u thâm nhiễm vào cơ sẽ gây biến dạng.
  • U thể hang: U máu đỏ phát triển lớn, nhô gồ lên mặt da hoặc thâm nhiễm vào các tổ chức. U có thể sùi lên như chùm nho, dễ chảy máu hay loét.
  • U dưới da: Mặt da bình thường, có vùng hơi tím dưới da, mật độ căng, bóp xẹp.
  • U máu xương: Rất phổ biến vùng xương hàm, có biểu hiện chảy máu chân răng, răng lung lay, nếu nhổ sẽ chảy máu nhiều và khó cầm (chụp X-quang xương hàm có hiện tượng u phá hủy xương hàm).
  • U máu thể động mạch: U phát triển chậm, to dần ở tuổi trưởng thành, sờ có cảm giác nóng, mạch đập, có thể có cảm giác “rung miu”.
  • U bạch mạch: U phát triển chậm, gây biến dạng mặt, chân, tay… mật độ mềm, căng, có nhiều túi dịch (chọc hút dịch có màu vàng chanh).
  • U hỗn hợp: Thường kết hợp u thể hang và u bạch mạch, u phát triển thường gây biến dạng tổ chức.

Cận lâm sàng:

  • Chụp mạch: Vùng u có hiện tượng ngấm thuốc mạnh.
  • Siêu âm: Có vùng giãn âm rõ ở giữa.
  • Chụp CT Scan sọ mặt, chụp cộng hưởng từ MRI để xác định vị trí u, kích thước và sự xâm lấn của u một cách chính xác.
  • Sinh thiết tế bào: Nếu u ở vùng sâu và khó xác định.

Phương pháp điều trị u máu hiệu quả

Các phương pháp điều trị u máu là:

  • Điều trị Steroid đường uống, tuy nhiên nếu dùng kéo dài có thể có biến chứng.
  • Tiêm xơ: Rất có hiệu quả với u nội mạc mạch máu và u dị dạng mạch máu.
  • Điều trị Interferon a-2b (Heberon): Phương pháp này đáp ứng tốt cho trẻ từ 1,5 – 14 tháng tuổi.
  • Propranolol đường uống: Cần có sự khám xét toàn thân với trẻ trước khi có chỉ định điều trị như xét nghiệm chức năng gan, thận, siêu âm tim.
  • Phẫu thuật: Tùy thể bệnh, vị trí và mức độ khu trú của khối u.
  • Nút mạch: Trường hợp u dị dạng mạch máu. Nhưng sau đó phải tiến hành phẫu thuật ngay mới có hiệu quả.
  • Phương pháp laser: Trường hợp u phẳng và nông.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u máu

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Tập thể dục đều đặn: Việc tập thể dục đều đặn sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch, đây là yếu tố quan trọng để cơ thể chống lại bệnh u máu.
  • Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và khoa học.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan