Ung thư cổ tử cung

Mục lục

Ung thư cổ tử cung là gì?

Tình trạng các tế bào ở cổ tử cung phát triển vượt mức kiểm soát của cơ thể, chúng phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u ở cổ tử cung được gọi là bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến của phụ nữ trên thế giới, tuy nhiên bệnh nhân có khả năng được chữa khỏi bệnh nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Khoa học tiến bộ vượt bậc nên ngày càng nhiều phương pháp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung nên số người mắc bệnh này cũng giảm dần.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng thường không xuất hiện, chỉ đến khi khối u đã lớn và có ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể thì các triệu chứng mới xuất hiện. Các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Đau vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu, đau khi quan hệ tình dục;
  • Tiết dịch âm đạo bất thường, trong dịch có thể lẫn với máu;
  • Chảy máu âm đạo bất thường, chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.

Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng khác nữa nhưng do ít phổ biến nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung

Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do virus HPV gây ra thông qua đường quan hệ tình dục.

Virus HPV có hơn 100 loại nhưng hầu hết đều vô hại, hầu hết mọi người đều mắc virus HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Hai loại virus HPV 16 và virus HPV 18 chiếm hơn 70% số ca mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Hai loại virus này không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì cho đến khi bệnh đã nặng.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào của người phụ nữ, không phân biệt phụ nữ ở bất cứ quốc gia nào.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Nhiễm virus HPV 16 và virus HPV 18, tiền sử nhiễm chlamydia.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Hệ thống miễn dịch cơ thể suy yếu.
  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các thiết bị, dụng cụ ngừa thai trong thời gian dài.
  • Tiền sử gia đình: có bà hoặc mẹ mắc bệnh ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vú thì nguy cơ con gái mắc bệnh khá cao.
  • Mang thai sớm hoặc sinh con nhiều hơn 3 lần.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Đầu tiên các bác sĩ sử dụng phương pháp xét nghiệm Pap để chẩn đoán xem cổ tử cung có tế bào bất thường nào hay không rồi từ đó thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Các bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Soi cổ tử cung.
  • Sinh thiết khoét chóp.

Sau khi xác định chắc chắn bạn đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm tiếp theo, đó là:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra xương, thận.
  • Kiểm tra các cơ quan xung quanh cổ tử cung.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT, MRI, X-quang và chụp cắt lớp phóng xạ PET scan để xác định kích thước khối u và các tế bào ung thư đã lan rộng ra chưa.

Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị bệnh phù hợp.

  • Phẫu thuật: Tùy tình trạng bệnh mà bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung, hoặc cắt bỏ luôn tử cung. Có trường hợp bệnh nặng có thể bị cắt bỏ cả cổ tử cung, tử cung, âm đạo, bàng quang, buồng trứng, ống dẫn trứng, trực tràng.
  • Xạ trị: Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể được điều trị bằng phương pháp xạ trị hoặc phối hợp với phẫu thuật. Ở giai đoạn cuối của bệnh thì xạ trị kết hợp với hóa trị liệu để giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân.
  • Hóa trị: Ở giai đoạn muộn của bệnh, bác sĩ sẽ dùng phương pháp này để ngăn chặn ung thư phát triển rộng, có thể thực hiện bằng cách tiêm thuốc vào tĩnh mạch cơ thể bệnh nhân.

Tất nhiên, tất cả các phương pháp điều trị đều mang lại các tác dụng phụ, chẳng hạn như: hẹp âm đạo, mãn kinh sớm, tắc nghẽn hạch bạch huyết.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư cổ tử cung

  • Xét nghiệm bằng phương pháp Pap thường xuyên để kiểm tra phát hiện các tế bào dị thường.
  • Tiêm ngừa HPV, đặc biệt HPV 16 và HPV 18.
  • Tham khảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh từ các chuyên gia dinh dưỡng.
  • Quan hệ tình dục an toàn, tránh lây nhiễm virus HPV gây bệnh.

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. 

Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nguy cơ mắc bệnh khi thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe đúng cách.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan